Giáo sư Hiroki TAHARA

Ủy viên Hội Đồng Quản Trị, Học Viện Ritsumeikan

Ritsumeikan Asia Pacific University

 Trong các ấn phẩm về “lịch sử phát triển” của bất kỳ cơ quan hay đơn vị nhỏ nào, đều thường phải có những câu trích dẫn thật ấn tượng và cũng không kém phần hùng hồn. Và đó mới thật sự là sử ký. Về phần chính thống của lịch sử phát triển của Khoa Việt Nam học - Sử ký Toàn thư của Khoa, tôi e rằng mình không nên viết gì, vì tôi chỉ là một lưu học sinh, chỉ học tại Khoa vỏn vẹn một năm vào đúng một phần tư thế kỷ trước.

Do đó, thay vì viết sử ký về Khoa, tôi muốn Quý vị độc giả cùng tôi quay về những kỷ niệm xưa nhưng mãi không bao giờ cũ tôi. Đây chỉ là một hồi ức nhỏ nhưng nó luôn đọng lại mãi trong tôi.

 Tôi sang Sài Gòn học tiếng Việt từ tháng 8 năm 1992. Số người Nhật ở Sài Gòn lúc bấy giờ còn rất ít, chỉ khoảng 100 người. So với hiện nay là gần 10,000 người Nhật đang sinh sống ở Sài Gòn. Chúng ta dễ dàng thấy được chỉ trong một phần tư thế kỷ, các mối quan hệ hợp tác Quốc tế nói chung và mối quan hệ hữu nghị Nhật-Việt nói riêng đã phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ.

 Về năng lực tiếng Việt của tôi, trong những năm qua cũng tiến bộ khá nhiều. Hồi mới sang học, dù tôi đã hết sức cố gắng nói thật chuẩn nhưng vẫn bị nhiều người hỏi lại là “Em nói tiếng Việt, được không?” hoặc là “Tôi không biết tiếng Nhật”. Điều này có nghĩa là tiếng Việt của tôi lúc ấy quá tệ nên người ta cứ tưởng tôi đang nói tiếng Nhật, chứ không phải là tiếng Việt. Tuy nhiên, sau một thời gian, nhờ sự dìu dắt và chỉ bảo tận tình của Thầy Cô, tôi hoàn toàn tự tin và cảm thấy thoải mái khi giao tiếp bằng tiếng Việt. Tôi còn rất thích nói đùa, nói kiểu dí dỏm với bạn bè Việt Nam. Ngoài ra, tôi còn mê nhạc Việt Nam, đặc biệt là nhạc Bolero. Ngày nào tôi cũng nghe - lúc đang ngồi làm việc với máy tính, lúc lái xe trên đường, lúc căng thẳng, mệt mỏi … tôi gần như nghe mọi lúc, mọi nơi, nghe hoài mà vẫn không biết chán. Tôi không chỉ nghe CD, và nghe xem chương trình trên mạng, mà còn dành thời gian đến tận phòng trà để thưởng thức giọng hát ngọt ngào của các ca sĩ Việt Nam mỗi khi có dịp.

 Thế nhưng, nếu ai đó hỏi tôi, cái gì ấn tượng nhất trong suốt thời gian học tiếng Việt thì tôi không ngần ngại mà trả lời ngay rằng “Ba cô giáo. Tình thương của ba cô giáo!”

 Lúc mới sang, tôi rất khác với bây giờ. Tôi của hiện tại rất thích ăn món ăn Việt Nam, món nào tôi cũng thích. Chả giò, gỏi cuốn, hủ tiếu Nam Vang thì khỏi phải bàn cãi, ngay cả mắm tôm, lẩu mắm, lẩu sư phụ (lẩu dê) tôi vẫn ăn được nhưng hồi mới sang, tôi thành thật xin lỗi Quý vị độc giả trước là tôi không thích ăn cơm Việt Nam. Tôi không có ý chê đâu, chỉ tại vì nó không hợp khẩu vị của mình thôi. Buổi sáng, trước khi vào lớp tôi thường mua một ổ bánh mì không, vì pate đã là món ăn đầy sợ hãi của tôi rồi. Tôi ăn bánh mì không và uống nước trà ở văn phòng. Buổi trưa, trên đường về nhà tôi ghé mua trái cây, thường là một trái bưởi và mang về nhà ăn. Có nhiều bạn cười mỉa tôi và nói vì tôi bị cai sữa sớm quá nên giờ này thèm “bưởi” nhưng sự thật không phải như thế, chỉ là vì lúc đó, tôi quen biết mỗi một bà bán bưởi nên quyết định mua bưởi của bà để không phải sợ bị “chặt chém”. Còn buổi tối thì tôi ăn ở một quán gần nhà. Tôi thường gọi một đĩa cơm chiên Dương Châu. Rõ ràng ăn uống như vậy là không có điều độ nên người tôi ngày càng ốm đi, có lúc giảm xuống chỉ còn 48kg. Soi gương, thấy người mình ốm nhom, tôi hay nghĩ là mình nên chọn nghề khác, chẳng hạn như người mẫu thời trang hay diễn viên điện ảnh thì hợp hơn vì khuôn mặt đã phù hợp sẵn, nay thêm thể hình như vậy nữa là chuẩn rồi…

 Thấy sinh viên mình ốm nhom như vậy, và có lẽ một phần nữa là anh chàng xứ Phù Tang này học mãi mà chữ nghĩa bay đi đâu hết, trông thật đáng thương nên có một hôm, Cô Hân dẫn tôi đi ăn trưa cùng. Lúc đó, quán cơm Bà Cả còn nằm trên đại lộ Lê Lợi. Vào quán ăn, nghe mùi các món ăn, tôi cảm thấy vui vẻ, và lần đầu tiên tôi thực sự thèm ăn, thèm món ăn Việt Nam. Cô Hân giải thích với tôi rằng đây là quán cơm ngon, em đến đây ăn một mình cũng được, em gọi cơm đĩa là họ sẵn sàng phục vụ… Rất may, nhờ có cô Hân mà tôi đã thoái chết đói.

 Quán đó hiện nay nằm trên đường Huỳnh Thúc Kháng. Mỗi lần đi qua quán, tôi lại nhớ đến cô Hân, nhớ bữa cơm thân mật với cô và những bài giảng của cô là…tôi thấy cay như bún bò Huế - cay mà bổ, không thể nào quên được.

 Sáng 2-4-6 tôi học với cô Hân, còn sáng 3-5-7, tôi có giờ của cô Giới. Viết vậy tôi mới nhớ ra là hồi đó ngày thứ 7 tôi vẫn phải đi học, chỉ có chủ nhật mới được nghỉ. Vả lại, cái gọi là “cuối tuần” hay từ “thứ bảy, chủ nhật” chưa được phổ biết như bây giờ.

 Cô Giới là “người Sài gốc Phan” – Phan Rang là xứ sở của nho tươi và rượu nho. Trong giờ của cô, tôi tập đọc báo nhiều. Thời ấy đã có các tờ báo hay như Báo Người Lao Động, Báo Công an Thành phố, Báo Tuổi Trẻ Cười, nhưng vì năng lực tiếng Việt còn hạn chế nên trong giờ học, tôi thường đọc báo Tuổi Trẻ và thỉnh thoảng đọc tạp chí Mực Tím hơn, mặc dù lúc đó tôi đã hết tuổi mực, chỉ còn một chút tim tím thôi, nhưng tôi vẫn có thể phần nào cảm nhận được nội dung của các bài viết. Thỉnh thoảng, có nhiều chỗ trong bài viết rất khó đối với học viên người nước ngoài bởi nhiều lý do, trong đó, một phần là do năng lực tiếng người học còn chưa đủ để “tiêu hóa” chúng. Nhưng lúc gặp khó khăn như vậy, cô Giới đã nhiệt tình giải thích từng từ, từng chữ trong câu để tôi hiểu được một cách tốt nhất có thể. Như đã nói, ngoài năng lực tiếng thì vấn đề khác biệt văn hóa, kinh tế, chính trị… cũng gây cho học viên không ít khó khăn trong quá trình lĩnh hội một ngoại ngữ. Do vậy, để học tốt ngoại ngữ, ngoài khả năng tự trang bị của học viên thì sự giúp đỡ, chỉ dạy tân tình của giáo viên cũng đặc biệt quan trọng và tôi là người rất may mắn. Tôi luôn có được những giáo viên tận tụy với nghề, yêu thương và giúp đỡ học trò hết lòng, trong số đó có cô Giới Nhờ vậy mà sau này, tôi đã được đánh giá rất cao trong nhiệm kỳ làm việc ở Đại sứ quán Nhật tại Hà Nội, với biệt tài đọc hiểu báo tiếng Việt rất giỏi.

 Còn một điều may mắn nữa khi được là học trò của cô Giới là, mỗi năm khi đến mùa nho là tôi được cô tặng một chai rượu nho Phan Rang. Đó là rượu do gia đình cô Giới nấu, một đặc sản vô cùng quý, không bán ở ngoài. Rượu có mùi nho rất đậm, uống rất bổ, uống vào cảm thấy khỏe người. Khi lớn hơn nữa, tôi đã uống rượu vang nổi tiếng của Pháp, của Tây Ban Nha, của Thung lũng Napa, uống bao nhiêu chai không nhớ nhưng thơm ngon nhất vẫn là rượu nho của gia đình cô G. Chắc có lẽ trong rượu có hương vị tình thầy trò và nó đã ru tôi say mèm.

 Tại Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và Đông Nam Á, nay gọi là Khoa Việt Nam học, tôi chỉ học tiếng Việt với 2 cô giáo. Nhưng ở trên tôi đã tuyên bố là ba cô giáo. Vậy, cô giáo còn lại là ai?

 Còn một cô giáo nữa, tôi luôn luôn thể hiện lòng tri ân của mình là cô N., - phu nhân của thầy giáo Huệ - là thầy dạy tiếng Việt của tôi tại Tokyo. Trong khi tôi sang Việt Nam học tiếng Việt, thầy Huệ vẫn đang dạy ở bên Nhật nên tôi không có cơ hội được ngồi lớp của thầy Huệ ở Sài Gòn. Học viên, sinh viên bây giờ khó có thể tưởng tượng, hồi đó không chỉ thầy cô mà cả gia đình luôn luôn để tâm đến học trò và hay giúp đỡ học trò trong các sinh hoạt hàng ngày.

 Biết cậu sinh viên Nhật này lười ăn cơm mà lại thích uống bia, ăn sò huyết, cô N. cười nói “Chiều chủ nhật em về nhà cô ăn cơm. Cô sẽ chuẩn bị những món em thích ăn.” Quả thật, chủ nhật hàng tuần cô N. đều nướng sò huyết, chuẩn bị sẵn bia để đón tôi. Cô hay kể chuyện về thầy: thầy say mê nghiên cứu ngôn ngữ học như thế nào, những công trình khoa học mà thầy đã hoàn thành trong hoàn cảnh khó khăn như thế nào… Đương nhiên là tiếng Việt của tôi lúc ấy chưa đủ để hiểu hết tất cả nhưng tôi mê ăn sò huyết và thích được nghe những câu chuyện đầy tâm huyết về một nhà ngôn ngữ học – thầy tôi.

 Có một ngày vào buổi chiều trời mưa rất to. Đi ra đường thì có không ai vì mưa quá to, nhưng tôi vẫn cứ đạp xe trên đường Lãnh Binh Thăng để đến nhà cô. Tôi chỉ sợ là cô đã chuẩn bị món ăn cho mình mà mình không đến thì rất bất lịch sự. Đã là người Nhật, một khi có hẹn thì dù trời mưa bão thế nào cũng phải đúng hẹn. Đến nhà, cô N. rất ngạc nhiên vì trời mưa to như vậy mà khách vẫn không sai hẹn. Lúc ấy điện thoại chưa có, e-mail cũng không nên có nhiều cái “đến nơi mới biết được”. Khi thấy tôi bị ướt như chuột lột, cô N. dịu dàng nói với tôi là trời mưa thì em khỏi tới, em không phải lo gì đâu.

 Đối với người Sài Gòn, đường Lãnh Binh Thăng là con đường đi đến Công viên Đầm Sen. Riêng tôi, con đường này là con đường đưa tôi về với ngôi nhà thứ hai của mình. Con đường xưa em đi, đường Lãnh Binh Thăng là con đường đẹp nhất, có nhiều kỷ niệm nhất của em, cô N. ạ.

 Nhưng gì tôi vừa kể trên, có lẽ với mọi là chuyện quá nhỏ, chuyện quá riêng tư. Nhưng với tôi, nếu ai hỏi tôi rằng tại sao Tahara học tiếng Việt 27 năm mà vẫn chưa thấy chán, động lực nào làm Tahara say mê học tiếng Việt hơn một phần tư thế kỷ qua, thì chuyện tôi vừa kể trên là câu trả lời của tôi - đó là tình thương học trò của ba cô giáo đã dành cho tôi.

 Các cô yêu quý! Nếu không có tình thương của các cô, em đã bỏ học lâu rồi ạ!

Ảnh học trò Hiroki Tahara cùng cô Giới cách đây hơn 20 năm