Sáng ngày 03 tháng 8 năm 2022, Khoa Việt Nam học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (ĐH KHXH&NV, ĐHQG - HCM), đã tổ chức Buổi sinh hoạt khoa học: “Tập huấn ngữ âm thực nghiệm về giọng tiếng Việt Nam Bộ”, nhằm nâng cao chất lượng đào tạo và năng lực nghiên cứu khoa học cho giảng viên.

Hoạt động này nằm trong kế hoạch hoạt động năm 2022 của Khoa Việt Nam học và cũng là hoạt động khoa học được nhiều nhà nghiên cứu, giảng viên, sinh viên quan tâm.  Diễn giả của lớp tập huấn là GS.TS. Marc Brunelle, Trưởng Khoa Ngôn ngữ học. Ông cũng là thành viên Khoa Sau đại học, Đại học Ottawa, Canada.

 

Hình 1: Giáo sư Marc Brunelle

Với 17 năm kinh nghiệm nghiên cứu và giảng dạy tại Canada cũng như thỉnh giảng ở Mỹ, Pháp, Thái Lan, Việt Nam, GS.TS. Marc Brunelle đã có nhiều đóng góp trong lĩnh vực lý thuyết âm vị học, ngữ âm, âm điệu và ngữ điệu. Vấn đề biến đổi âm thanh và ảnh hưởng của việc tiếp xúc ngôn ngữ lên hệ thống âm thanh cũng được ông quan tâm. Các nghiên cứu của Giáo sư tập trung vào các ngôn ngữ Đông Nam Á, đặc biệt là tiếng Việt và tiếng Chăm.

Giáo sư Marc cũng là đồng giám đốc của Phòng thí nghiệm mẫu âm thanh thuộc Đại học Ottawa. Các công trình nghiên cứu khoa học gồm có 7 chương sách, 25 bài báo khoa học. Các bài báo khoa học đã được tác giả công bố trên các tạp chí thuộc danh mục Scopus như: Journal of Phonetics, Journal of the International Phonetic Association, Journal of the Acoustical Society of America. Ông cũng là thành viên ban biên tập các tạp chí như: Language Science Press, Journal of the Southeast Asian Linguistics Society, Cahiers de Linguistique - Asie Orientale.

Đến tham dự buổi sinh hoạt khoa học có TS. Phạm Tấn Hạ - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM, TS. Trần Thị Mai Nhân – Quyền Trưởng Khoa Việt Nam, TS. Huỳnh Thị Hồng Hạnh –Trưởng Khoa Ngôn ngữ học, TS. Hỗ Minh Quang – Trưởng khoa Đông Phương học; TS. Đinh Lư Giang- Trưởng Bộ môn Ngữ văn Tây Ban Nha và gần 30 giảng viên, nghiên cứu sinh, học viên cao học và sinh viên trong và ngoài Trường; trong đó có cả học viên, sinh viên người nước ngoài (Trung Quốc, Hàn Quốc), thuộc khối Khoa học xã hội và Khoa học tự nhiên.

Hình 2: TS. Phạm Tấn Hạ - Phó hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM phát biểu khai mạc

 Trong chương trình sinh hoạt khoa học lần này, GS. Marc tập trung giới thiệu lý thuyết thanh điệu tiếng Việt và đặc trưng thanh điệu giọng Nam Bộ (Articulatory and acoustics of tone production + The tonal system of Vietnamese and its dialectal variation), xây dựng bảng từ nghiên cứu và ghi âm (Building the wordlist and recording), trích xuất dữ liệu đã chú thích bằng PRAAT script (Extracting acoustic measurements using PRAAT scripts), giới thiệu ngắn về R và chuẩn hoá dữ liệu (A very short introduction to R and data normalization), thực hành sử dụng R phân tích và trực quan hoá dữ liệu ngữ âm (Working with R to analyze and visualize phonetic data).

Điểm nhấn của buổi tập huấn này là việc các học viên có thời gian thực hành ghi chú phiên âm cho các đoạn âm thanh tiếng Việt vừa thu được; học viên được chạy các Script và giới thiệu phần mềm R vào trong nghiên cứu thanh điệu tiếng Việt. Đây là phần mềm được dùng trong nghiên cứu ngữ âm học nhằm mục đích xử lý các phép tính, mô hình thống kê với tốc độ rất cao. Nhờ phần mềm Praat và R mà các nhà nghiên cứu có thể tìm hiểu, khái quát được hiện thực âm thanh ngôn ngữ và trình bày kết quả qua các con số. Hầu hết các công bố quốc tế về ngữ âm đều có sử dụng phần mềm Praat và R trong khi xử lý dữ liệu.

 

Hình 3: Học viên đặt câu hỏi cho diễn giả

 Đặc biệt, dựa trên dữ liệu là các file âm thanh tiếng Việt dạng wav, các học viên có thể xác định được đường biểu diễn của thanh hỏi và thanh ngã giọng Nam Bộ. Trong hình 6, thanh hỏi và thanh ngã (C1, C2) giọng Nam Bộ trùng với nhau phản ánh đúng với cảm thụ thính giác của người bản địa.

 

Hình 4: Hệ thống thanh điệu tiếng Việt giọng Nam Bộ

 Đây là buổi sinh hoạt khoa học rất thú vị và bổ ích. Qua chương trình, người học có thể tiếp thu được những kiến thức cơ bản về phần mềm Praat và kỹ năng điền dã ngữ âm học. Ngoài ra, người nước ngoài có quan tâm đến thanh điệu tiếng Việt có thể dùng Praat để tự kiểm tra việc phát âm thanh điệu của mình. Hy vọng hàm lượng thông tin của chương trình sẽ đáp ứng được kỳ vọng của những ai quan tâm nghiên cứu ngữ âm học thực nghiệm.

 

Hình 4: Các học viên chăm chú theo dõi